Bệnh tiểu đêm và cách phòng trị

Tiểu đêm rất thường gặp ở cả người trẻ lẫn người cao tuổi, gây nhiều tác hại như mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến chất lượng sống. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bách, Khoa Nội thận Lọc máu Bệnh viện Thống nhất TP HCM cho biết, người bình thường khỏe mạnh đi tiểu khoảng 8 lần trong ngày, trong đó có 7 lần vào ban ngày và một lần vào ban đêm. Lượng nước tiểu mỗi lần tiểu khoảng 300 ml. Tiểu đêm là đi tiểu nhiều hơn một lần vào ban đêm. 

Tiểu đêm gây nhiều tác hại như mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Ảnh minh họa.

Tiểu đêm gây nhiều tác hại như mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Ảnh minh họa.

Có nhiều nguyên nhân gây tiểu đêm, trong đó có thể phân ra thành 2 nhóm nguyên nhân bệnh lý (thực thể) và không do bệnh lý (chức năng).

Một số bệnh lý gây ra tiểu đêm (thực thể):

- Phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới. Tiền liệt tuyến khi to gây chèn ép niệu đạo gây tiểu khó, tia nước tiểu yếu và gây chèn ép bàng quang làm giảm thể tích bàng quang, gây kích thích bắt đi tiểu nhiều lần.

Phì đại tuyến tiền liệt thường gặp ở tuổi trên 50 với các triệu chứng tiểu đêm, tiểu khó, tiểu xong cảm giác không hết, tia nước yếu. Nếu có kèm tiểu ra máu cần khám bác sĩ ngay. Đàn ông trên 60 tuổi hằng năm cần xét nghiệm máu để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

- Sa tử cung do sinh đẻ ở nữ giới.

- Viêm đường tiết niệu (viêm bàng quang): Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu nên khi bị viêm nhiễm sẽ gây kích thích tiểu nhiều lần. Các triệu chứng của viêm bàng quang bên cạnh chứng tiểu đêm là đau bụng dưới, phía trên xương mu, tiểu gắt buốt, sốt, tiểu lắt nhắt.

- Suy thận mạn tính: Giai đoạn đầu của suy thận mạn (độ 2, 3) có hiện tượng giảm chức năng cô đặc nước tiểu gây triệu chứng tiểu đêm. Các triệu chứng của suy thận mạn là tiểu đêm, phù, tiểu ít, da xanh, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

- Sỏi thận: Biểu hiện lâm sàng của sỏi thận rất đa dạng, trong đó có triệu chứng tiểu đêm. Các triệu chứng khác thường đi kèm là tiểu khó, rát buốt, đau lưng…

- Đái tháo đường: Đường máu cao thường gây tiểu nhiều và tiểu đêm. Người bệnh đang điều trị tiểu đường nếu thấy có triệu chứng tiểu nhiều, tiểu đêm cần kiểm tra ngay đường máu.

- Đái tháo nhạt.

- Nguyên nhân thần kinh như chèn ép tủy, xơ cứng rải rác, hội chứng chèn ép tủy sống, bệnh Parkinson…

Một số tình trạng rối loạn không do bệnh lý (chức năng):

- Chế độ ăn uống: Thói quen uống nhiều nước, ăn canh vào buổi tối, uống rượu, bia, cà phê, trà vào buổi tối.

- Sử dụng một số thuốc có tính lợi tiểu như thuốc hạ huyết áp (nhóm ức chế kênh canxi), thuốc lợi tiểu.

- Yếu tố tâm lý như lo lắng, căng thẳng, mất ngủ. Nguyên nhân này thường gặp ở người trẻ với biểu hiện căng thẳng, lo âu, mất ngủ, tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm. Khi “chú ý” thì tiểu nhiều, nếu tập trung làm việc sẽ không mắc tiểu, không tiểu gắt, không tiểu buốt và xét nghiệm nước tiểu bình thường.

- Do mang thai: Các nội tiết của nhau thai tiết ra và do chính thai trong tử cung đè ép vào bàng quang.

- Do lớn tuổi nên giảm chức năng cô đặc nước tiểu của thận. Tuổi cao trên 80 tuổi thường xuyên tiểu đêm khoảng 2 lần.

- Rối loạn phản xạ thần kinh điều khiển bàng quang.

Các xét nghiệm thông thường nên làm ở người mắc chứng tiểu đêm:

- Siêu âm bụng: Kiểm tra thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung.

- Chụp phim ổ bụng: Kiểm tra sỏi tiết niệu.

- Tổng phân tích nước tiểu.

- Chức năng thận, đường máu.

Bác sĩ Bách khuyến cáo, cần phải xác định chính xác tiểu đêm do nhóm nguyên nhân nào mới điều trị chính xác. Đối với nhóm tiểu đêm do nguyên nhân thực thể, cần khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị theo đúng nguyên nhân. Đối với nhóm tiểu đêm do nguyên nhân chức năng, người bệnh có thể tự chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên áp dụng các phương pháp dân gian, truyền miệng để điều trị chứng tiểu đêm chưa được y khoa công nhận.

Phòng ngừa chứng tiểu đêm

Một số khuyến cáo sau nên thực hiện cho những trường hợp tiểu đêm do nhóm nguyên nhân chức năng (nhất là ở người cao tuổi):

- Hạn chế uống nước nhiều, không ăn nhiều canh, không uống bia rượu, trà, cà phê vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Tăng cường rau xanh, chất xơ, không  ăn quá nhiều thịt, muối.

- Không nên ăn nhiều loại quả có chứa nhiều nước như dưa hấu, bưởi, cam… vào buổi tối.

- Tạo thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ.

- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, không lo lắng và stress…

- Tập thói quen đi tiểu đúng giờ.

- Không uống các thuốc lợi tiểu vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Massage, ngâm vùng hậu môn bằng nước ấm.

(Theo Vnexpress.net)

 

Bình luận

1

1 - 10/10/2024 15:57:25

1

1

1 - 10/10/2024 15:56:32

1

Viết bình luận